Hắt hơi cũng phải học – Giữ sức khỏe đường hô hấp

0
777

Hắt hơi – đó là một từ rất hay, là phản xạ tự nhiên đẩy không khí ra khỏi phổi, chủ yếu qua khoang mũi để làm sạch đường hô hấp.

Những chất gây dị ứng như phấn hoa hay hạt bụi xâm nhập vào khoang mũi, cảm lạnh và cúm, những kích thích như cảm xúc quá mức, nắng và gió; đều có thể gây nên hắt hơi.

Cơ chế của hắt hơi, là khi lưỡi và vòm miệng sắp xếp lại để chặn đường vào khoang miệng, phần lớn không khí đi ra từ lỗ mũi. Vì sự tắc nghẽn khoang miệng không hoàn hảo, không khí lại bị đẩy ra rất dữ dội, nên sẽ có một lượng khí thoát ra khỏi miệng.

Vào thời cổ đại, từ triết gia Aristotle cho đến Celsus đều tin rằng linh hồn được làm từ không khí và nằm ở bên trong cơ thể, hắt hơi là hành động đánh bật linh hồn, làm cho hồn lìa khỏi xác, là dấu hiệu báo động sức khỏe nguy hiểm.

Thời kì trung cổ, những người mắc bệnh nhẹ cũng có thể tử vong, vì thế mà âm thanh của tiếng hắt hơi thật đáng sợ, nó được coi là hồn đang lìa khỏi xác và để ma quỷ chui vào trú ngụ bên trong. Đó cũng là lí do để người phương Tây hay sử dụng những câu thành ngữ giống như “God bless you – Chúa ban phước cho bạn”, để cầu nguyện khỏe mạnh, tránh bệnh tật và cái chết.

Sau đại dịch ở châu Âu, quan điểm hắt hơi đã thay đổi và nó bắt đầu được coi là một dấu hiệu của một căn bệnh nặng. Vào thế kỷ thứ 14, trong đại dịch bệnh dịch hạch mang tên cái chết đen, Giáo hoàng Grêgôriô VII đã đưa ra lời cầu nguyện “May God bless you – Xin Chúa ban phước cho bạn”, được nói sau mỗi lần hắt hơi để chống lại bệnh dịch.

Người Trung Quốc coi hắt hơi 1 cái liên quan đến cảm xúc, là ai đó đang nhớ nhung đến mình, đang dành tình cảm yêu thương cho mình. Hắt hơi 2 cái là có người nhắc đến tên. Hắt hơi 3 cái trở lên là dấu hiệu bệnh tật.

Cũng như vậy, ở Naples hay Nhật Bản, hắt hơi 1 lần gợi đến nỗi nhớ nhung, hắt hơi nhiều hơn chính là bệnh tật. Trong văn hóa dân gian Ấn Độ, hắt hơi trước khi bắt đầu công việc được cho là điềm xấu mang lại sự xui xẻo, cần phải uống một li rượu để giải đen.

Người Việt hay sử dụng thành ngữ “cơm muối” khi hắt hơi, đặc biệt là với trẻ nhỏ, bởi cơm trắng và muối là 2 thứ được các thầy cúng sử dụng để trừ tà. Khi trẻ hắt hơi, người lớn nói “cơm muối”, chính là cách đuổi tà ma để đứa trẻ không bị ốm.

Trung y quan niệm: “Bệnh tòng khẩu nhập – Họa tòng ngôn xuất”.

Nghĩa là: bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra. Đồ ăn thức uống nhiễm độc, vi khuẩn, vi rút, hay bụi bặm do môi trường bẩn và ô nhiễm, nếu đi vào từ miệng, sẽ gây nên bệnh tật. Bệnh đó, nếu phát ra từ miệng, nhất là khi bị hắt hơi, thì sẽ gây thảm họa cho những người xung quanh.

Chữ hán “hắt hơi – 嚏”vì thế mà thuộc bộ khẩu 口 tức là miệng.

Bên phải chữ “khẩu – 口” là chữ “đế – 疐” tạo thành chữ “hắt hơi -嚏”. Đế ở đây có nghĩa là cản trở, là vướng chân, là khó khăn. Chữ “đế -疐” thuộc bộ “sơ -疋”. Lí do là bởi chữ “đế -疐” tượng hình giống như một người trưởng thành, xuất phát là một một đứa trẻ trong tiểu khung của bà mẹ, đứa trẻ đó chính là chữ “sơ -疋”, mà sơ cũng có nghĩa là ngay thẳng. Phía trên chữ sơ là chữ “điền -田” nghĩa là đất đai, rồi đến chữ “mịch -冖” nghĩa là trùm lên như mái nhà. Trên cùng là chữ “thập -十” may ý nghĩa đầy đủ.

Như vậy, cơ thể con người sinh ra như đứa trẻ, từ lúc nằm trong bụng mẹ đã khỏe mạnh và ngay thẳng, đến khi trưởng thành dưới tác động của trời đất, của cuộc sống từ trong ngôi nhà của mình cho đến ngoài xã hội; đó cũng chính là sự cản trở như chữ “đế -疐” vậy.

Chữ “đế -疐” có bộ “khẩu – 口” thành chữ “hắt hơi – 嚏” như muốn nhắc người ta rằng, để cơ thể khỏe mạnh, thì phải biết giữ mồm giữ miệng.

Tiếng Anh hắt hơi được viết là: SNEEZE.

Có điều khá thú vị, là một lượng lớn các từ tiếng Anh liên quan đến mũi được bắt nguồn từ tiền tố ‘sn-’. Ví dụ như: snout, snubbed, sniff, snort, snoring, snot, snuffle, sneer, snivelling, snicker, snooty, snook.

Tiếng Anh cổ hắt hơi được viết là: fneosan!

Sở dĩ kí âm là fneosan bởi khi phát âm nó giống tiếng hắt hơi, nhưng xét về ngữ âm học, để phát âm giống với âm thanh của hắt hơi thì fneosan sẽ bị thừa nguyên âm ‘o’, vì thế mà chữ hắt hơi nhanh chóng được cải tiến thành fnesan.

Có đến vài thế kỉ, người Anh khi nói hắt hơi đã vô tình đánh rơi mất phụ âm ‘f’, thành ra chỉ còn lại chữ nesan. Nhưng cách phát âm này không chuẩn, bởi hắt hơi gồm 2 giai đoạn; ở giai đoạn sau là hô hấp lại có 3 thì, thì đầu tiên là hít hơi vào thật sâu, tiếp đến là đẩy hơi ra thật mạnh hết cỡ, cuối cùng là một tiếng nổ. Bởi vậy, đến thế kỉ 16 ngữ âm học đã thực hiện cải tiến triệt để chữ hắt hơi mô phỏng theo 3 thì này, nhưng người ta lại nhìn nhầm phụ âm ‘f’ thành ‘s’, từ đó mới có chữ sneeze như hôm nay.

Như vậy, SNEEZE được phát âm là /ˈsniz/, gồm có 3 âm.

– /ˈs/ giống như hít vào.
– /ni/ giống như đẩy hơi ra.
– /z/ giống như tiếng nổ.

Như ở trên đã nói, hắt hơi được chia thành 2 giai đoạn. Đầu tiên gọi là giai đoạn mũi hay còn gọi là giai đoạn nhạy cảm. Ở giai đoạn này, các nếp gấp của niêm mạc trong khoang mũi bị kích thích bởi hóa chất hoặc các tác nhân vật lí. Kích thích này được tiếp nhận bởi các dây thần kinh vùng hàm mặt, tập trung về hạch thần kinh tam thoa ở ngay lỗ bầu dục, rồi truyền lên trung tâm hắt hơi ở thùy nhộng bên của tiểu não.

Giai đoạn thứ 2 là hô hấp, một lượng lớn các tế bào thần kinh hô hấp được kích thích, tạo nên phản xạ nhắm mắt lại, miệng hé và hít sâu, lồng ngực tăng thể thích và phổi tăng áp lực, không khí từ trong phổi đột ngột bắn mạnh chủ yếu qua khoang mũi, một lượng nhỏ hơn qua miệng, nó quét sạch các mảnh bụi bám và chất kích thích ở niêm mạc mũi.

Các tác nhân kích thích niêm mạc xoang mũi gây hắt hơi gồm:

– Dị vật: phấn hoa, các hạt bụi đặc biệt là bụi mịn PM2.5, lông thú, hóa chất.

– Do tác nhân vật lí: ánh sáng quá mức đột ngột làm co đồng tử, tác động đến nhánh mắt của dây thần kinh tam thoa, cũng tạo nên kích thích hạch tam thoa gây hắt hơi.

– Do thời tiết như lạnh, hoặc đang nóng chuyển sang lạnh.

– Do bệnh tật: Viêm mũi dị ứng, cảm cúm, nhiễm trùng đường hô hấp làm cho niêm mạc mũi bị phù nề, tiết dịch gây kích thích, hoặc cảm giác ngứa mũi làm hắt hơi. Lịch sử ghi nhận trường hợp của Patrick Webster, một công chức khá bất hạnh từ Hampshire, người đã hắt hơi vài trăm lần một ngày trong 37 năm, trước khi phát hiện ra rằng anh ta bị dị ứng với yến mạch trong mỗi bữa ăn sáng. Các bác sĩ đã điều trị hắt hơi cho Partrick bằng Corticoid suốt 20 năm, tình trạng hắt hơi có giảm, nhưng bệnh nhân bị loãng xương nặng do biến chứng của thuốc. Chỉ đến khi tìm ra dị ứng yến mạch thì Partric mới tự khỏi.

– Do tâm lí: Ngoài những hắt hơi do cảm xúc nhất thời, thì hắt hơi tâm lí dai dẳng rất khó điều trị. Shilkrel là người đầu tiên mô tả hắt hơi tâm lí vào năm 1949, ông đề cập đến một bệnh nhân nữ 13 tuổi bị hắt hơi liên tục 2 tháng, sau đó được chẩn đoán hysteria và điều trị theo phác đồ tâm lí đã khỏi hắt hơi.

– Hắt hơi kéo dài không rõ căn nguyên: Sách Kỉ lục Guinness đã ghi nhận trường hợp cậu bé Donna Griffiths 12 tuổi đến từ Worrouershire, bị hắt hơi mỗi phút 1 lần bắt đầu từ tháng 1 năm 1981 và không dừng lại cho đến 980 ngày sau – mặc dù đã giảm xuống 5 phút một lần vào tháng 9 năm 1983.

Nghiên cứu khá công phu của Nishino năm 2000 về hắt hơi, kết quả cho thấy các giọt nước bọt siêu nhỏ với kích thước từ 0,5-5µm ước tính có đến 40 ngàn hạt, vận tốc di chuyển tùy từng trường hợp hắt hơi, vào khoảng 150km/h đến 1045km/h (bằng 85% vận tốc âm thanh).

Với tốc độ như vậy: hắt hơi được coi là cái chổi của tự nhiên dùng để quét sạch đường hô hấp!

Thực tế, khi cảm thấy muốn hắt hơi, có thể ngăn chặn hắt hơi bằng cách ở giai đoạn mũi, há rộng mồm rồi thở bằng miệng, tập trung suy nghĩ vào hơi thở đó. Nhưng hắt hơi là phản xạ tự bảo vệ, nên việc ngăn chặn như vậy sẽ không tốt, bởi các tác nhân bệnh tật không đẩy ra được.

Một số người xấu hổ khi hắt hơi quá to, đã cố gắng ghìm cho tiếng hắt hơi nhỏ xuống, thậm chí lấy tay bịt mũi và ngậm miệng, điều này cực kì nguy hiểm, có thể gây nên những chấn thương rất nghiêm trọng. Hãy thử tưởng tượng khi hắt hơi, luồng không khí từ phổi đi ra lỗ mũi với tốc độ phản lực 1045km/h tương đương với 85% vận tốc của âm thanh, nếu bịt mũi và ngậm mồm lại thì điều gì sẽ xảy ra.

Câu trả lời đầu tiên là trường hợp cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Leicester NHS Trust ở Vương quốc Anh, vào ngày 16 tháng 1 năm 2018. Một người đàn ông giấu tên 34 tuổi, hoàn toàn khỏe mạnh, khi hắt hơi anh ngậm miệng và lấy tay bịt mũi. Ngay sau đó, người đàn ông nghe thấy tiếng nổ lớn ở cổ họng, rồi cảm giác đau và khó nuốt, cổ sưng to dần. Tại bệnh viện Leicester NHS Trust, tiến sĩ Wanding Yang cùng với đồng nghiệp là Raguwinder S. Sahota và Sudip Das đã chẩn đoán người đàn ông này bị vỡ cổ họng, tại chỗ tiếp nối giữa khí quản và hầu, nguyên nhân được cho là cú hắt hơi không đúng cách.

Câu trả lời thứ 2, là hành động bịt mũi ngậm miệng và kìm nén cơn hắt hơi có có thể gây tổn thương tai, bởi tai có vòi Eustache thông với mũi, trường hợp áp lực không khí quá lớn có thể gây rách màng nhĩ. Một ca bệnh điển hình vừa xảy ra cuối năm 2018, với người đàn ông Ấn Độ giấu tên 57 tuổi, khi hắt hơi lấy hai ngón tay bịt mũi. Hậu quả, người đàn ông cảm thấy tai trái ù đặc, có chất lỏng tràn đầy, đưa ngón tay út vào kiểm tra thấy nhiều máu đỏ tươi. Tại bệnh viện đa khoa Sanjeevani, các bác sĩ chẩn đoán tai bên trái của người đàn ông bị rách màng nhĩ, máu đông lấp đầy ống tai trong, thính lực giảm đáng kể.

Câu trả lời thứ 3, là vỡ các mạch máu, đặc biệt là động mạch cảnh, vỡ động mạch não cực kì nguy hiểm, chưa những trường hợp nhồi máu não do mảng xơ vữa hay cục mấu đông. Trường hợp điển hình là xảy ra ở Nhật Bản vào năm 2013, với một bệnh nhân nữ 57 tuổi, sau một cú hắt hơi bị chảy máu tai, do vỡ phình động mạch cảnh đoạn trong xương đá.

Câu trả lời thứ 4, là vỡ các kén khí, vỡ phế quản phế nang gây tràn khí khoang màng phổi, tràn khí trung thất. Ralph-Edwards đã mô tả trong một báo cáo năm 1994, về trường hợp người đàn ông có tiền sử nghiện thuốc lá, hắt hơi bị tràn khí trung thất.

Nhiều những tổn thương khác do hắt hơi hoặc hắt hơi không đúng cách, như nhồi máu hay vỡ động mạch mắt ảnh hưởng đến thị lực, viêm xoang, tổn thương đường hô hấp dưới dẫn đến viêm.

Hắt hơi như chiếc bình xịt khổng lồ.

Bình Xịt này tạo ra 40 ngàn giọt nước bọt siêu nhỏ đường kính từ 0.5-5µm bay ra khỏi mũi trong phạm vi 2 mét. Những giọt nước bọt lớn khích thước trên dưới 100µm sẽ nhanh chóng rơi xuống đất do lực hút trọng trường. Nhưng với giọt nước bọt siêu nhỏ sẽ bay lơ lửng trong không khí, như những hạt bụi siêu mịn mang mầm bệnh, đặc biệt là vi rút cúm như Virus cúm A.

Xem thêm: Thuốc Tamiflu 75mg điều trị virus cúm A

CDC đưa ra quy định vùng an toàn là bán kính 2 mét.

Nghĩa là, một người ngửa cổ lên trời hắt hơi, thì khoảng xung quanh người đó với vòng tròn đường kính 4m sẽ được coi là vùng nguy hiểm, dễ lây bệnh cho người khác.

Bởi vậy, cần phải hắt hơi đúng nguyên tắc chống nhiễm khuẩn. Ở các nước phát triển, bố mẹ và nhà trường dạy trẻ em rất cẩn thận cách hắt hơi, ở lớp còn tổ chức hẳn các cuộc thi hắt hơi xem ai thực hành tốt nhất. Rất tiếc hầu hết người Việt đang hắt hơi theo cách ngửa cổ lên trời, xịt 40 ngàn giọt nước bọt nhiễm bệnh tự do bay trong không khí.

Hắt hơi như trên phim ảnh, dùng tay che miệng để tạo dáng, đó cũng là cách hắt hơi nguy hiểm không kém so với ngửa mặt lên trời. Vì bàn tay không thể ngăn cản hết các giọt nước bọt bắn tự do vào không khí. Chưa kể bàn tay là nguyên nhân hàng đầu của truyền bệnh, khi bàn tay ấy nhiễm vi rút vi khuẩn, sẽ truyền sang người khác qua cái bắt tay, truyền vào các vật dụng xung quanh, nắm đấm cửa cũng là nơi chứa nhiều mầm bệnh nhất là vì thế.

Hắt hơi chống nhiễm khuẩn lí tưởng nhất là sử dụng khăn giấy dùng 1 lần. Khi hắt hơi, khăn giấy được đặt vào lòng 2 bàn tay, phủ lên mũi và miệng đảm bảo các hạt nước bọt không bị thoát ra, hắt hơi xong vo khăn giấy cho vào sọt rác an toàn. Bắt buộc phải rửa tay bằng xà phòng hay chất sát khuẩn ngay sau khi hắt hơi.

Nhưng không phải khi nào cũng có khăn giấy dùng 1 lần.

Vậy cách hắt hơi phổ biến nhất, đó là vắt tay qua vai đối diện, để phần áo mặt trong khủy tay che kín mũi và miệng, ngoài việc ngăn chặn phát tán 40 ngàn giọt nước bọt vào không khí, thì tay áo mặt trong khủy cũng là vùng không sờ đến nên không gây truyền bệnh cho người khác.

====================

TÓM TẮT BÀI VIẾT
————

1. Hắt hơi là phản xạ tự bảo vệ làm sạch khoang mũi và đường hô hấp.

2. Mỗi lần hắt hơi, tốc độ luồng không khí di chuyển từ phổi ra mũi đạt tới phản lực, có thể lên đạt 1045km/h (bằng 85% vận tốc âm thanh), bắn ra 40 ngàn giọt nước bọt siêu nhỏ lơ lửng trong không khí, vùng nguy hiểm có bán kính 2m.

3. Hắt hơi nên mở miệng để một phần không khí thoát ra khỏi miệng.

4. Kiềm chết để giảm tiếng hắt hơi là rất nguy hiểm.

5. Bịt mũi và ngậm miệng khi hắt hơi có thể gây rách cổ họng, tràn khí màng phổi và tràn khí trung thất đe dọa tính mạng, vỡ động mạch cảnh và đứt mạch máu não có thể gây tử vong, rách màng nhĩ và tổn thương tai trong gây giảm thính lực, viêm xoang, xuất huyết nội nhãn gây ảnh hưởng thị lực thậm chí mù lòa.

6. Dùng bàn tay che miệng khi hắt hơi, sẽ không ngăn cản được các giọt nước bọt phát tán ra không khí, bàn tay bẩn vì dính nước bọt cũng là nguyên nhân gây lan truyền bệnh tật cho người khác.

7. Tốt nhất là dùng khăn giấy một lần che mũi và miệng khi hắt hơi, vất bỏ khăn giấy vào thùng rác cẩn thận, rửa tay bằng xà phòng hoặc chất sát khuẩn.

8. Phổ biến là đưa bàn tay đặt lên vai đối diện, để ống tay áo mặt trong khủy tay che kín mũi và miệng, giúp ngăn chặn các giọt nước bọt phát tán vào không khí, đồng thời không lây truyền vi khuẩn vi rút ra các vật dụng hay nắm đấm cửa.
=====================

TÀI LIỆU THAM KHẢO
————
1. Murat Songu, Cemal Cingi. Sneeze reflex: facts and fiction. Ther Adv Respir Dis(2009) 3(3) 131-141.

2. Nishino, T. (2000) Physiological and pathophysiolo-gical implications of upper airway reflexes in humans. Jpn J Physiol 50: 3-14.

3. Wanding Yang, Raguwinder S. Sahota và Sudip Das. Snap, crackle and pop: when sneezing leads to crackling in the neck. BMJ journals. Volume 2018, Issuse.

4. Timna CJ et al. A rare cause of acute tympanic membrane perforation: a case report. Int J Otorhinolaryngol Head Neck Surg. 2019 Jan;5(1):181-183.

5. Seiichiro Hirono et al. Ruptured aberrant internal carotid artery pseudoaneurysm presenting with spontaneous massive ear bleeding following a single sneeze: a case report. Journal of Neuroendovascular Therapy 2015. 7(5):312-316.

6. Ralph-Edwards AC, Pearson FG. Atypical presentation of spontaneous pneumomediastinum. Ann Thorac Surg 1994;58:1758 – 60.

Nguồn: BS. Trần Văn Phúc

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây